Chủ Nhật, 3 tháng 1, 2010

Sôi động các dự án làm phim tài liệu về Hà Nội

Đại lễ 1000 năm Thăng Long được khởi động với rất nhiều dự án phim ảnh. Đã có một số dự án phim truyện nhựa phải hủy bỏ và một số dự án phim truyện truyền hình đang triển khai. Ngoài ra, còn rất nhiều dự án phim tài liệu đã và sẽ lên sóng truyền hình.

“Ký sự Thăng Long” và những điều ít biết

Đầu tiên phải kể đến chương trình phim “ký sự Thăng Long”, một loạt phim ký sự tài liệu về đất và người Hà Nội xưa và nay. Loạt ký sự gồm 52 tập, mỗi tập 15 phút. Mỗi tập là một chủ đề, một câu chuyện với những khám phá, những câu chuyện thú vị không mấy người biết đến, hoặc biết nhưng chưa rõ, hoặc chưa bao giờ được kể về kinh thành Thăng Long.

Ảnh minh họa

“Ký sự Thăng Long” sẽ mang tới nhiều khám phá mới lạ về thủ đô Hà Nội


Thông qua cách kể chuyện bằng hình ảnh, có sự tham gia của các nhà sử học, khán giả sẽ được biết thêm những chi tiết thú vị, lần đầu tiên công bố về những công trình tiêu biểu của Hà Nội… hay sự việc liên quan tới những nhân kiệt xuất sắc của Thủ đô.

Tổng đạo diễn bộ phim là NS Bùi Duy Khánh cho biết: phim có những góc quay lạ, độc đáo và được đầu tư lớn. Ông cũng chia sẻ: “Chúng tôi sẽ kể những câu chuyện mới và kể mới hơn những câu chuyện cũ. Văn Miếu Quốc Tử Giám, Nhà hát lớn, cây cầu Long Biên, Gò Đống Đa… tất cả đã rất quen thuộc nhưng những câu chuyện chúng tôi kể sẽ mang đến cho khán giả những chi tiết mới lạ. Ví dụ chắc hẳn trong chúng ta, ai cũng biết về Nhà hát lớn, đã rất nhiều lần bước chân đến đó nhưng mấy ai trong chúng ta biết rằng mái lợp của Nhà hát lớn hiện nay được lấy từ lớp đá sét ở Sìn Hồ… Cầu Long Biên đã được nhắc đến nhiều, thậm chí hàng ngày chúng ta đi qua đó, nhưng mấy ai biết rằng, ở thế kỉ 19, những người thợ đã phải ngồi vào cabin, được thả xuống lòng sông Hồng, vét từng vốc bùn để đặt những chiếc cột trụ đầu tiên của cầu Long Biên…”.

Đại diện Nhóm tư vấn cấp cao, ông Dương Trung Quốc, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nói: “Phim có nhiều cái mới. Một số chi tiết khám phá chính tôi cũng chưa biết. Ví dụ, từ trước đến nay tôi vẫn cứ nghĩ là mái lợp Nhà hát Lớn thành phố là nhập từ Pháp. Hóa ra, câu chuyện phức tạp hơn nhiều. Và tôi không ngờ là Việt Nam mình lại có mỏ đá đẹp và quý đến thế”.

Loạt phim bắt đầu sản xuất vào tháng 7/2009 và sẽ phát sóng vào 18h các ngày thứ 5 và thứ 7 trong tuần, tập đầu tiên sẽ phát sóng vào thứ 7, ngày 10/10/2009, ngày kỷ niệm 999 năm vua Lý Công Uẩn xuống Chiếu dời đô, lập nên kinh thành Thăng Long.

“1000 cảm xúc Hà Nội” với phong cách truyền hình thực tế

Ngoài ra phải kể đến chương trình “1000 cảm xúc Hà Nội” đã được phát sóng trên kênh truyền hình thực tế RealTV – VCTV5 từ 15/9. Đây là một series phim phóng sự truyền hình về Hà Nội, thực hiện theo phong cách truyền hình thực tế.

Ảnh minh họa

“1000 cảm xúc Hà Nội” sẽ không dàn dựng mà để nhân vật tự kể truyện

Mỗi tập phim dài 10 phút sẽ khai thác những nét văn hóa Hà Nội xưa và nay. Hình ảnh những chiếc áo dài, những món ăn ngon hoặc những cảm nghĩ, cảm xúc của những người dân Hà Nội đã được những người làm chương trình ghi lại dưới góc độ chân thực, không dàn dựng.

Điểm khác biệt ở chỗ chương trình “1000 cảm xúc Hà Nội” hoàn toàn không có MC, có rất ít lời bình luận, chương trình sẽ để nhân vật tự kể chuyện. “1000 cảm xúc Hà Nội” sẽ chủ yếu là những hình ảnh đầy cảm xúc về Hà Nội để khán giả xem truyền hình cảm nhận và suy nghĩ.

Đạo diễn trẻ Thuỷ Giang, đạo diễn chương trình cho biết: “Loạt phim “1000 cảm xúc Hà Nội” là một sự khác biệt hoàn toàn so với những seri truyền hình khác đã từng làm về Hà Nội trước đây (như các chương trình ẩm thực, áo dài, phố cổ…), bởi chương trình được làm theo phong cách của truyền hình thực tế rất tự nhiên ngẫu hứng, sự sắp đặt và diễn xuất được hạn chế tôi đa trong khi những cảm tưởng tâm sự của những người tham gia chương trình được khắc họa và làm nổi bật”.

Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội là “điểm ngắm” cho rất nhiều dự án làm phim được xã hội hóa. Trên sóng truyền hình hiện tại đã thấy hiện diện “Thăng Long nhân kiệt”, rồi series “Những ngôi chùa cổ Việt Nam”. Trò chơi “Hà Nội 36 phố phường” cũng đã có lời khẳng định sẽ ra mắt vào 10/10/2009. Tất cả
sẽ giúp khán giả có thêm những kiến thức quý giá về Thủ đô ngàn năm văn vật.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét