Chủ Nhật, 3 tháng 1, 2010

Nghĩ đến biển ghi tiểu sử đường phố

Chỉ còn hơn bốn trăm ngày nữa là tới Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Nhân kỷ niệm tròn 1000 năm tuổi, chúng ta có điều kiện giới thiệu với thế giới về văn minh xưa và nay, Hà Nội cũng là tinh hoa của đất nước.

Ngẫm nghĩ càng thấy tự hào. Trong khi các nhà sử học, các nhà khoa học đang đau đầu vì những bằng chứng lịch sử chứng minh Thủ đô 1000 năm tuổi còn rất mỏng, thì tổ tiên linh ứng lại “báo mộng” cho con cháu phát lộ Hoàng thành Thăng Long. Vậy là chúng ta có bằng chứng xác thực nhất để tự hào với thế giới, tự hào với quan khách nước ngoài đến dự Đại lễ.

Những ngày này, đi trên đường phố Hà Nội, chúng ta bắt gặp không khí nhộn nhịp, khẩn trương chuẩn bị cho Đại lễ. Đâu đâu cũng thấy băng rôn, khẩu hiệu, xây dựng mới nhiều công trình kỷ niệm. Song dường như, mọi người vẫn còn thấy thiếu thiếu gì đó. Thăng Long nổi tiếng với 36 phố phường xưa, theo tiến trình lịch sử nay đã tăng gấp nhiều lần con số ấy. Nhiều anh hùng dân tộc, nhà khoa học, nhà văn… đã được ghi danh lên đường phố Hà Nội. Vừa rồi có con đường bên hồ Hoàng Cầu được gắn biển mới “Đường Mai Anh Tuấn”. Tôi hỏi chính người dân đang sống ở đây có biết Mai Anh Tuấn, hay Nguyễn Phúc Lai – tên con đường gần đó, mọi người đều trả lời “Không biết”. Nhớ có lần xem phim tài liệu về học giả Nguyễn Văn Vĩnh, tên cụ mới được đặt cho một hẻm ở TP HCM. Khi phóng viên hỏi người dân ở đấy thì không ai biết cả, có người còn bảo là tên của một liệt sĩ chống Mỹ mới nực cười…

Chợt nghĩ, không chỉ một số người tôi đã hỏi, trò chuyện, mà còn rất nhiều người khác hàng ngày vẫn đi trên đường phố Hà Nội, đọc được tên đường nhưng nhiều khi không biết đó là tên ai, tiểu sử ra sao? Vậy là tên danh nhân trở thành những địa chỉ thuần túy của phố phường. Ngay chính dân Thủ đô còn lõm bõm thế, huống hồ người tỉnh khác hay khách nước ngoài. Thế nên khi đặt tên đường phố, sẽ thật hay khi nghĩ đến chuyện ghi tiểu sử đường phố, cần bổ sung một tấm biển nhỏ, gắn dưới biển ghi tên đường ghi tóm tắt cho biết người mang cái tên đó là ai. Đó cũng chính là cách để ghi công các danh nhân và lịch sử những con đường, cũng là một cách giáo dục truyền thống, giáo dục tinh thần yêu nước cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Đi trên đường phố Hà Nội mà chúng ta hiểu rõ hơn về con đường ấy, cái tên đặt cho con đường ấy, sẽ thấy Thủ đô muôn phần tươi đẹp, thêm yêu và thêm thương.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét