Chủ Nhật, 3 tháng 1, 2010

Ôn Di chúc của Bác Hồ trong ngày 2/9

“Có di chúc nào vừa thấm đẫm lòng yêu nước, thương dân như Di chúc của Người không?”, cụ Tài hỏi trước khi đọc Di chúc của Bác. Cả phòng khách im lặng để lắng nghe giọng đọc run run của cụ Tài. “Bác là người hết lòng xây dựng, vun trồng khối đại đoàn kết dân tộc, phát huy sức mạnh của toàn thể dân tộc.

Chính sách “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công” do Bác đề xướng, coi vậy mà không dễ thực hiện đâu. Để đưa bài học đoàn kết vào thực tiễn cuộc sống, mỗi cán bộ, đảng viên gạt bỏ cái tôi cá nhân, vị kỷ mà dốc lòng cho sự nghiệp xây dựng đất nước”, ông Nguyễn Minh Đức, nguyên Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương chia sẻ.

Tiếp lời, chị Nguyễn Thu Cúc, Chủ tịch UBND phường Phú Cường, Thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương tâm sự, “Hôm nay, nghe bác Năm Tài đọc lại bản di chúc của Người, tôi rất xúc động. Đây cũng là dịp để những lãnh đạo, cán bộ, đảng viên trẻ như tôi có dịp soi rọi bản thân”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Phạm Hoàng Hà tham dự hoạt động ôn di chuc của Bác tại nhà cụ Tài. Ảnh: Thu Thảo

Dù đang bận nhiều việc, nhưng ông Phạm Hoàng Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương vẫn nán lại đến phút cuối. Ông Hà nói, Bác là người có tấm lòng nhân ái rộng lớn, người có tinh thần phục vụ nhân dân cao nhất, lấy mục tiêu phục vụ nhân dân làm mục đích chiến đấu của mình. Những tư tưởng đó, đạo đức đó là cái gốc tạo nên sức mạnh của Đảng. “Tôi rất vui được dự buổi giỗ đầy ý nghĩa này, và xin hứa sẽ lấy đó để động viên người dân, chiến sĩ phấn đấu học tập, tiếp tục hoàn thành sự nghiệp của Bác”.

Người khách đặc biệt

Trong buổi tưởng nhớ ngày Bác mất tại nhà cụ Tài, có một cậu bé bán vé số trạc 13 tuổi, dáng người dong dỏng, gầy gò, chăm chú lắng nghe đọc Di chúc của Bác. Tháng 12/2008, Hoàng tình cờ đi qua nhà cụ Tài khi tổ làm phim của Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Dương đang quay những thước phim tài liệu về người chiến sĩ tiền khởi nghĩa này.

Tò mò, cậu dừng lại xem và được chị tổ trưởng tổ làm phim hỏi, “Phim về tình cảm của các chiến sĩ cách mạng lão thành với Bác Hồ đó, em có biết Bác Hồ không?”. “Có”, Hoàng đáp khẽ. “Bác Hồ là ai?” Chị hỏi tiếp. “Bác Hồ là anh hùng giải phóng dân tộc”, cậu nói rất tự tin. Những ai có mặt đều nhìn nhau đầy ngạc nhiên. Một câu trả lời ngắn gọn, chuẩn xác của một cậu bé bán vé số không có điều kiện học hành. Từ hôm đó trở đi, lúc nào rảnh rỗi, bé Hoàng lại ghé qua nhà ông Năm để xem ảnh Bác Hồ.

Nhắc lại câu chuyện trên, cụ Tài trầm ngâm: “Hơn 20 năm tổ chức ngày tưởng nhớ ngày mất của Người, chưa lần nào tôi xúc động như hôm nay. Một em bé nghèo, mồ côi, chỉ được cha nuôi chỉ bảo vài lần mà khắc sâu trong lòng hình ảnh Bác. Liệu những đứa trẻ được nuôi nấng cẩn thận, sinh ra và lớn lên trong gia đình giàu sang, có hiểu được như em bé bán vé số này không? Bác Hồ luôn sống mãi trong lòng người dân Việt Nam, đặc biệt là những người dân nghèo. Trách nhiệm của Đảng, nhà nước là hiện thực hóa những điều cần Bác dặn trong bản Di chúc: phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân; xây dựng đất nước giàu mạnh ”, cụ nói.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét