Chủ Nhật, 3 tháng 1, 2010

Chiếu phim tài liệu tưởng nhớ học giả Nguyễn Văn Vĩnh

Chiều nay (15/4), tại Trung tâm văn hóa Pháp đã tổ chức buổi trình chiếu bộ phim tài liệu “Mạn đàm về Người Man di hiện đại”, giới thiệu cuộc đời và sự nghiệp của Học giả Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936). Phim do NSND Trần Văn Thủy đạo diễn.

Phim dài hơn 200 phút, chia làm 4 tập, tái hiện cuộc đời của một nhà báo - người hết lòng cổ vũ cho phong trào người Việt Nam nói, đọc và viết chữ quốc ngữ. Nguyễn Văn Vĩnh, gương mặt tiêu biểu cho trao đổi văn hóa Việt – Pháp, là tổng biên tập của nhiều tờ báo đầu tiên sử dụng chữ Quốc ngữ.


Học giả Nguyễn Văn Vĩnh

Nguyễn Văn Vĩnh là người tiên phong cho rất nhiều hoạt động văn hóa, xã hội. Ông là người Việt Nam đầu tiên gia nhập Hội Nhân quyền Pháp (1906), là chủ bút đầu tiên báo xuất bản bằng chữ Quốc ngữ ở Bắc kỳ “Đăng cổ tùng báo” (1907), là người đầu tiên dịch Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa từ chữ Hán ra chữ Quốc ngữ (1909) và là người người Việt Nam duy nhất làm chủ bút ba tờ báo tiếng Pháp ở Bắc kỳ : “Notre Journal” (1908); “Notre Revue” (1909) và “L’Annam Nouveau” (1931).

Trong lĩnh vực nghệ thuật, Nguyễn Văn Vĩnh cũng có nhiều đóng góp to lớn như là người đầu tiên dịch các tác phẩm văn học cổ điển Pháp của Victor Hugo, Honoré de Balzac, Alexandre Dumas, Molière, La Fontaine … ra tiếng Việt , là người đầu tiên đưa các tác phẩm của Molière lên sân khấu kịch nói tại Nhà hát lớn Hà Nội (1920).

Cái tên Nguyễn Văn Vĩnh còn được công chúng Việt Nam biết đến là một “sứ giả” tiêu biểu của văn hóa Việt - Pháp. Ông là người người đầu tiên hợp tác với người Pháp dựng bộ phim đầu tiên của điện ảnh Việt Nam “Kim Vân Kiều” (1924) và là người Việt Nam thành công nhất trong việc dịch trọn bộ “Truyện Kiều” sang tiếng Pháp, NXB Alexandre de Rhodes (1942)

Nhận xét về bộ phim tài liệu “Mạn đàm về người Man di hiện đại”, giáo sư sử học Phan Huy Lê – Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đánh giá: “Đây là bộ phim tài liệu lịch sử đầu tiên ở Việt Nam do cá nhân thực hiện mà không dựa vào sự hỗ trợ của bất kỳ một tổ chức nào và đạt được sự cuốn hút tuyệt đối đến phút chót!”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét