Chủ Nhật, 3 tháng 1, 2010

Nhà văn, đạo diễn phim tài liệu Văn Lê: "Thân phận người dân luôn làm tôi rung động"...

Lao Động số 174 Ngày 04/08/2009 Cập nhật: 8:14 AM, 04/08/2009
Nhà văn, đạo diễn phim tài liệu Văn Lê.
(LĐ) - Nông dân, người lính, đồng bào dân tộc... những nhân vật chính trong hầu hết các phim tài liệu của Văn Lê (ảnh) - một người làm phim tài liệu của Hãng phim Giải Phóng. "Tôi viết văn, làm phim về họ trước hết bởi những thôi thúc nội tâm muốn chia sẻ của chính bản thân mình..." - ông nói.

1. Mỗi năm, Văn Lê làm một, hai phim tài liệu, có phim được giải như: H’Nơn (Bông sen bạc tại LHP 14), Họ hy sinh vì tổ quốc (Bông sen bạc LHP 15), có phim phản ánh, đặt vấn đề rất gai góc về số phận nông dân, nhưng rút cuộc cũng rơi vào vòng luẩn quẩn, cái thế "đèn cù" của phim tài liệu Việt nhiều năm nay: Làm xong, nộp lên trên, cất kho...

"Vừa xong được hai phim, thích lắm" - ông khoe. Đó là phim Ngọn lửa xoay vòng (nhựa, 20 phút, ông vừa viết kịch bản, vừa đạo diễn) về văn hóa sống và ứng xử của người Khmer. Đó là phim Đường xa thăm thẳm về ông Trần Lam - nguyên Phó chủ tịch tỉnh Kiên Giang, một trong những người thành lập Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Kiên Giang, phát tâm làm việc thiện, quyên góp tiền bạc giúp đỡ hàng ngàn người nghèo VN, Campuchia...

Trong phim mới Đảo chạy gió - Văn Lê kể một câu chuyện tưởng chừng rất giản đơn về việc người dân đảo Hòn Chuối (Cà Mau) tránh sự ảnh hưởng của chiều gió thổi, năm phải chuyển nhà hai lần; nhiều năm nay, Nhà nước có kế hoạch xây dựng bến bãi tàu thuyền, giúp đỡ người dân... nhưng nhiều kế hoạch vẫn còn trên giấy...

Bộ phim Ở xã Phước Thắng - phim về đời sống của đồng bào Raglei (huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận). Tại xã, Nhà nước xây cho dân những căn nhà mái ngói đẹp như... biệt thự, làm mương, hồ nước, kênh kiên cố. Nhưng, những điều tốt đẹp Nhà nước quan tâm làm cho dân lại không mang lại giá trị thực tiễn: Mương nằm sâu dưới ruộng, nhỏ, chỉ rộng 40cm, dân không cách nào đưa nước lên ruộng. Đất giao cho đồng bào canh tác đầy sỏi đá.

Đồng bào khó trồng tỉa, đành canh tác theo kiểu truyền thống, phó thác mùa màng cho thiên nhiên. Ninh Thuận gió quẩn, hay có lốc, những căn nhà mái ngói xây giữa đồng trống dễ bị gió tốc mái. Thế là đồng bào, bên cạnh nhà ngói mới, xây nhà mái tranh truyền thống để ở.

"Khi sự quan tâm bị lãng phí có thể trở thành sự vô tâm?" - chúng tôi đặt câu hỏi. Văn Lê trầm ngâm: "Tôi cho thế này, không phải quan tâm là chi cho dân nhiều tiền, dân sướng ngay được. Vấn đề là chi tiêu hợp lý. Cái cần nhất-phát huy dân chủ cơ sở. Chính quyền nên hỏi dân xây nhà thế nào hợp văn hóa sống của đồng bào?".

Làm phim, là ông có dịp chia sẻ tâm tư với người dân. Nhưng rất tiếc, phim không được chiếu rộng rãi. "Đành an ủi, phát hành phim quân đội có mua phim, đã chiếu cho bộ đội, nông dân một số vùng xem" - Văn Lê cười buồn: "Kỹ thuật làm phim không mới phải chăng cũng là một cản trở để người ta không thích xem phim tài liệu Việt?".

2. Kịch bản Long thành cầm giả ca (tên một bài thơ của Nguyễn Du) của Văn Lê đạt điểm tuyệt đối, đoạt giải nhất cuộc thi sáng tác kịch bản chủ đề "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội" (trao giải 16.1.2009), 7.2009 đã được Nhà nước duyệt, đưa vào sản xuất. Đạo diễn là Đào Bá Sơn. Tới ngày 3.8, về cơ bản, việc chọn cảnh đã hoàn tất.

Ngày 4.8, Văn Lê lại lên đường thực hiện phim về một vị tướng. "Bối cảnh phim Long thành cầm giả ca, tôi viết sao cho tiết kiệm tiền làm phim nhất. Cái chính, phim hướng vào thân phận con người trong một giai đoạn lịch sử đất nước nhiều nhiễu nhương - cuối triều Lê, đầu triều Nguyễn. Phim khẳng định một điều: Các triều đại sẽ bị thay thế, chỉ văn hóa là trường tồn...".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét