Chủ Nhật, 3 tháng 1, 2010

Phim tài liệu gia đình: Băn khoăn đứng giữa hai dòng nước...

Phim tài liệu "Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh gửi lại" hay phim tài liệu "Mạn đàm về người man di hiện đại" về học giả Nguyễn Văn Vĩnh... đều là những thước phim bắt nguồn từ nhu cầu của gia đình, họ tộc và đã lan tỏarộng rãi...


Với những ồn ào, bàn luận sôi nổi đằng sau những cuốn phim tài liệu ra đời theo cách "xã hội hóa" như vậy, rất có thể sẽ sinh ra một loại hình mới - phim tài liệu tư nhân - giống như phim truyện, phim truyền hình tư nhân đang rất phổ biến hiện thời?

Những "điểm nhấn" của "tài liệu gia đình"

Quay phim "Mạn đàm về người man di hiện đại" ở Pháp

Nếu không có 4 tập phim "Mạn đàm về người man di hiện đại" dài 215 phút, kỷ lục của phim tài liệu Việt Nam xưa nay, thì ít người biết đến học giả Nguyễn Văn Vĩnh và những giá trị văn hóa mà cụ để lại.

Gia tộc họ Nguyễn đã chủ động đứng ra thực hiện bộ phim này. Một cách làm phim không giống với bất kỳ êkíp nào: Anh Nguyễn Lân Bình, cháu nội cụ Nguyễn Văn Vĩnh đã hợp tác với đạo diễn phim tài liệu Trần Văn Thủy, quay phim Nguyễn Sĩ Bằng... quyết tâm cho ra một bộ phim xứng đáng với công lao, giá trị của ông chủ báo xứ Bắc Kỳ một thời để lại.

Khi phim hoàn thành và đem trình chiếu thì đích xác là một bộ phim tài liệu của "tư nhân". Bộ phim "Mạn đàm về người man di hiện đại", không gắn với bất kỳ hãng phim Nhà nước hay cơ quan thông tấn báo chí nào.

Với những công nghệ mới, giờ đây làm một series phim truyền hình vài chục tập cũng chỉ cần vài tháng. Thậm chí có những phim nhựa của Việt Nam chỉ quay trong vẻn vẹn... một tháng. Nhưng, "Mạn đàm về người man di hiện đại" đã chi tiêu số ngày công hết... một năm.

Tổng chi phí cho phim vẫn được giữ bí mật nhưng nhìn vào "thành phẩm" có thể thấy sự đầu tư công phu cho nó với hàng nghìn phút ghi hình, sự tham gia góp mặt của nhiều người khác nhau và hành trình mà "đoàn làm phim" đi qua, từ Hà Nội, đến làng Phượng Dực (Hà Tây cũ, nơi cụ Vĩnh sinh ra), nhà lưu niệm Nguyễn Du Nghệ An, TP. HCM - nơi có con đường mang tên Nguyễn Văn Vĩnh, sông Sê-pôn ở Lào và nhiều thành phố nước Pháp...

Với sự kỳ công đó thì khi hoàn thành, chắc chắn rằng gia đình sẽ không muốn dừng lại việc trình chiếu "Mạn đàm về người man di hiện đại" chỉ trong quy mô... gia đình.






ví dụ khác, bộ phim tài liệu, "Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh gửi lại", ra mắt đúng dịp kỷ niệm 20 năm ngày mất đôi vợ chồng tài hoa - nhà thơ Xuân Quỳnh và nhà viết kịch Lưu Quang Vũ - cũng trong nhóm phim xuất phát từ gia đình.

Yếu tố "Nhà nước" ở phim này chỉ là "tư cách pháp nhân" của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), có hỗ trợ một phần chi phí. Tuy nhiên, phần lớn nguồn lực để thực hiện "Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh gửi lại" là sự đóng góp từ gia đình, các nhà hảo tâm và những người yêu mến hai nghệ sĩ này.

Để có được bộ phim dài 50 phút, đạo diễn Nguyễn Thước (Hãng Phim Tài liệu và Khoa học Trung ương) đã phải mất 6, 7 tháng cho quá trình làm phim. Buổi ra mắt đầu tiên cũng diễn ra với tính chất "nội bộ" tại Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật VN.

Chân dung, con người, sự nghiệp và cuộc sống của hai vợ chồng nghệ sĩ được tái hiện qua hồi ức của những người bạn, người thân, khắc họa qua những kỷ niệm, di vật, những tác phẩm thơ, kịch... mà họ để lại và đặc biệt sinh động là những hình ảnh từ đám tam của Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh và bé Quỳnh Thơ do đạo diễn Nguyễn Thước thực hiện.

Mang tính chất gia đình, họ tộc, nhưng "Mạn đàm về người man di hiện đại" hay "Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh gửi lại" đã chứng minh sức lan tỏa rất rộng lớn. Đó là điểm khác biệt rõ nhất với nhiều "bộ phim" do gia đình tự lên nội dung, tự dựng hình khác, vốn chỉ để làm tư liệu cho dòng tộc, chia sẻ trong khuôn viên nhỏ hay đưa lên Youtube để công chúng xem trực tuyến. Nói như đạo diễn trong một buổi chiếu phim, NSND Trần Văn Thủy là ông làm phim về cụ Nguyễn Văn Vĩnh "không phải cho gia tộc mà cho dân tộc này".

"Cuộc chơi xa xỉ"?

Để làm được một bộ phim tài liệu do cá nhân, gia đình đứng ra tổ thức thực hiện, là một "cuộc chơi xa xỉ", nói như đạo diễn Nguyễn Thước.

Tuy vậy, với nhu cầu có thực từ cuộc sống và sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ, kỹ thuật hiện đại, đây có thể sẽ là xu thế của tương lai. Từ đây sẽ đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến góc độ tính chân thực lịch sử, quyền sở hữu trí tuệ...

Với những người tham gia làm phim vì những hình ảnh mang tính tư liệu không chỉ là chép lại đơn thuần quá khứ, hiện tại mà còn là sự phác họa những góc cạnh khác nhau của sống thực tế và có thể mang thông điệp cho các thế hệ sau ...

Loay hoay tìm chỗ đứng

Quay phim "Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh gửi lại"

Nhiều người rất muốn xem bộ phim do cá nhân và gia tộc đứng ra thực hiện 100% như "Man đàm về người man di", nhưng rất khó.

Với tính "độc lập" trong thực hiện của phim này thì chưa thể lên truyền hình hay đem chiếu rạp để tuyên truyền.

Thực tế, theo anh Nguyễn Lân Bình, người đứng ra đầu tư cho "Mạn đàm về người man di hiện đại", bộ phim đã được đem chiếu ở hơn 20 địa điểm khác nhau, ở các trường đại học, ở Đà Nẵng và gần đây nhất là ở Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội. Điều đó cho thấy sức lan tỏa của một bộ phim khá rộng rãi.

Anh Bình và êkip làm phim đang băn khoăn, nếu những bộ phim do cá nhân đứng ra thực hiện như vậy nếu đem ra chiếu ở nước ngoài hay được mời tham gia những liên hoan phim quốc tế thì có được không?

Ở Việt Nam, một phim "độc lập" như thế sẽ không thể tham gia liên hoan phim nếu không qua một đơn vị có tư cách pháp nhân (chẳng hạn qua Hãng phim thì có hội đồng thẩm định, còn qua đài truyền hình thì có cơ chế thẩm định nội dung riêng). "Theo luật thì chỉ có thể chiếu trong không gian nhỏ", đạo diễn Nguyễn Thước cho biết.

Một vấn đề nữa: những bộ phim "tài liệu gia đình" như vậy được coi là "đứa con tinh thần" của đạo diễn (người được mời làm) hay của người đầu tư (tương đương khái niệm "nhà sản xuất", nếu có tư cách pháp nhân sản xuất phim)? Đạo diễn sẽ có quyền quyết định thế nào với bộ phim, nhất là khi phim gây tiếng vang ngoài khuôn khổ gia tộc? Và đạo diễn chỉ làm theo đúng ý muốn của bên "đặt hàng", của nhà đầu tư hay có quyền sáng tạo theo quan điểm, tư tưởng riêng của mình?

Với bộ phim "Mạn đàm về người man di hiện đại", đôi chút "bất đồng quan điểm" đã xảy ra khi anh Nguyễn Lân Bình, người đầu tư phim, nói: Phim thuộc bản quyền của gia tộc và chúng tôi quyết định nội dung.

Còn đạo diễn Trần Văn Thủy cho rằng: Nếu có lời mời đem phim đi chiếu thì tất nhiên quyền quyết định thuộc về gia đình. Tuy nhiên, khi bộ phim là mối quan tâm của đông đảo công chúng thì phim sẽ mang ý nghĩa xã hội mà không nặng về vấn đề quyền sở hữu, nhất là với phim tài liệu... Công chúng xem phim sẽ vẫn nhận ra phong cách của đạo diễn qua mỗi bộ phim, dù là do Nhà nước hay tư nhân đầu tư.

Đạo diễn Nguyễn Thước góp lời: Vai trò của đạo diễn, tác giả bộ phim và gia đình thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào thỏa thuận giữa hai bên. Vấn đề nội dung cũng vậy. Đạo diễn có thể chỉ làm hoàn theo những gì gia đình muốn. Còn khi thỏa thuận rằng đạo diễn được toàn quyền quyết định lại là chuyện khác.

Như thế, bộ phim có sức lan tỏa rộng hay chỉ dừng lại ở phạm vi gia đình là tùy thuộc vào cách thức thể hiện, vấn đề truyền tải và... con mắt xanh của những nhà quản lý, những người liên quan và luôn dõi theo sự phát triển của điện ảnh tài liệu Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét