Chủ Nhật, 3 tháng 1, 2010

Đào Bá Sơn: "Người làm phim tài liệu giống như một bác sĩ phẫu thuật"

ó thể nói Đào Bá Sơn là một nghệ sĩ đa tài. Khán giả biết đến ông với tư cách là một diễn viên tài hoa, đồng thời là một đạo diễn của những phim truyền hình và phim truyện để lại nhiều dấu ấn. Song có lẽ ít người biết rằng Đào Bá Sơn còn rất say mê phim tài liệu. Ông đã sáng tác không ít phim tài liệu có giá trị và còn rất tâm huyết với việc đào tạo phim tài liệu cho sinh viên ở trường CĐ SK-ĐA TP HCM.

Phóng viên (PV): Thưa đạo diễn Đào Bá Sơn, xin đạo diễn cho biết quá trình đến với phim tài liệu (TL) của mình như thế nào?

Đào Bá Sơn (ĐBS): Tôi vốn xuất thân là dân phim truyện. Năm 1992, tôi được ra Hà Nội dự một khoá học về phim tài liệu do hội Điện ảnh Việt Nam (ĐAVN) phối hợp với bộ văn hoá Pháp tổ chức. Lúc đầu tôi vẫn bị cái bệnh rất nặng của phim truyện nên xem phim tài liệu không thấy thích. Nhưng càng học, được giảng về phim tài liệu, tôi mới thấy mình quá ấu trĩ và tôi nhận ra giá trị rất lớn của phim tài liệu, đó là tính chân thực, tính thông tin và khả năng chuyển tải những vấn đề ngồn ngộn của cuộc sống đến người xem… Ngay sau đó tôi đã làm bộ phim TL Chị Dung - bộ phim đoạt giải thưởng của hội ĐAVN. Bộ phim TL tiếp theo của tôi làm cho tổ chức Care của Úc có nhan đề “Chống bạo hành phụ nữ”.

PV: Đạo diễn có thể tiết lộ dự định làm phim sắp tới của mình?

ĐBS: Bộ phim TL tôi sắp quay có tên Đám mây dừng lại trên đồng (KB Văn Lê) kể về một cậu bé người Chăm đi chăn bò thuê vào dịp nghỉ hè. Vùng đất cậu ở (Phan Rang) là một miền đất khô cằn nghiệt ngã nhưng nơi đó đã gắn bó với tổ tiên, gia đình cậu. Cậu bé cũng như những cây xương rồng mọc trên cát vẫn vươn lên nở hoa đỏ thắm. Qua bộ phim tôi muốn thể hiện tình yêu thấm đẫm của cậu bé đối với quê hương, với gia đình và cả với đàn bò của cậu.

PV: Đạo diễn có suy nghĩ gì về những khó khăn của nền ĐA tài liệu nước ta, đặc biệt là khâu phát hành?

ĐBS: Với phim TL thì khó khăn lớn nhất có lẽ là khâu phát hành. Trước đây ta vẫn duy trì việc chiếu phim TL trước khi chiếu phim truyện ở rạp. Nhưng hiện nay không còn như vậy nữa. Hi vọng duy nhất của chúng ta chỉ còn là chiếu phim TL trên truyền hình. Nhưng vẫn có một vấn đề là truyền hình thường chỉ phát những bộ phim có độ an toàn cao, không đụng chạm nhiều đến những mặt trái của xã hội… Đó cũng là một trong những hạn chế đối với người nghệ sĩ.

PV: Vậy có những khác biệt gì giữa cách làm phim TL hiện nay và trước đây, thưa đạo diễn?

ĐBS: Ở mỗi thời kì, mỗi giai đoạn có cách kể chuyện và cách thể hiện khác nhau. Hiện nay chúng ta nên kể theo một cách khác với cách ông cha ta đã kể. Như đề tài chiến tranh vẫn là một đề tài muôn thưở không bao giờ cạn, có thể giúp phim TL VN cất cánh với TL thế giới. Nhưng bây giờ chúng ta nên có tư duy lật ngược vấn đề để thấy được cả “mặt trái của tấm huy chương”. Chẳng hạn như chúng ta ca ngợi những bà mẹ VN anh hùng là rất đúng, còn cần phải ca ngợi hơn nữa. Nhưng còn những vấn đề khác đặt ra: vậy còn những người mẹ ở phía bên kia? Không có người mẹ nào muốn con mình là phản động. Nhưng con họ cũng đã nằm xuống…Họ cũng là những người mẹ có nỗi đau vĩ đại chứ?

PV: Đạo diễn có những nhắn nhủ gì trong quá trình đào tạo phim TL cho sinh viên?

ĐBS: Ngoài việc giảng dạy những kĩ thuật làm phim TL, tôi còn luôn lưu ý sinh viên về vấn đề nhân cách của người làm phim. Đó là thái độ hết sức cần thiết khi làm phim. Phải làm sao xoa dịu nỗi đau chứ không phải bới móc thêm nỗi bất hạnh, phải mang đến cho nhân vật niềm tin vào cuộc sống. Vì thế, người làm phim TL giống như một bác sĩ phẫu thuật, phải mổ xẻ, cân nhắc điều gì có lợi, điều gì không để cắt đi hay giữ lại. Nhưng quan trọng nhất vẫn là phải hướng đến Cái Đẹp!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét