Chủ Nhật, 3 tháng 1, 2010

Muốn truyền xúc động khi làm phim về Bác

Đạo diễn Lê Đức Tiến đã trào nước mắt khi viết lời bình bộ phim tài liệu 40 năm thực hiện di chúc Bác Hồ. Ông và đoàn làm phim muốn truyền nỗi xúc động ấy tới khán giả. Nhân dịp 6 tập đầu tiên của dự án phim tài liệu 25 tập này lên sóng VTV từ 30/8 đến 4/9, Đất Việt có cuộc trao đổi với Tổng đạo diễn Lê Đức Tiến, đồng thời là đạo diễn tập một: Bác Hồ viết di chúc.



- Hãng phim truyện Việt Nam đã vượt qua những khó khăn nào để thực hiện một loạt phim công phu và phạm vi đề cập rộng như vậy?

- Các tập phim gặp khó khăn nhất, theo chúng tôi, là phần liên quan tới Bác trong thời điểm từ 1965 đến 1969, khi Bác mất. Chẳng hạn, chúng ta không có hình ảnh về Bác Hồ viết di chúc. Bác đề trên di chúc là “Tuyệt đối bí mật”, không muốn nhiều người biết.

Ảnh về Bác thì có nhiều hơn, nhưng điện ảnh cần những hình ảnh động, nên chúng tôi phải tìm nhiều cách khác nhau để thể hiện những nội dung cần thiết. Ngoài ra trong 25 tập phim, tư liệu chủ yếu ở những tập đầu tiên, khi nói về cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Còn những tập sau phải tổ chức quay mới ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương trong nước và cả ở nước ngoài.

Tỷ lệ tư liệu sử dụng cũng sẽ ít hơn. Tuy nhiên, đoàn làm phim chúng tôi rất may mắn được ghi hình bản gốc 10 trang di chúc của Người đang được lưu trữ tại Văn phòng Trung ương Đảng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh

- Trong quá trình làm phim, cũng là một quá trình tìm hiểu về Bác, ông có những cảm nhận như thế nào?

- Tôi nhớ đã xúc động trào nước mắt khi viết những dòng lời bình về Bác. Đây là đoạn lời bình có sự biên tập chỉnh lý của nhà văn Nguyễn Quang Thiều: “Di chúc thiêng liêng, lời thề của toàn dân tộc từ 40 năm qua vang trên quảng trường lịch sử, truyền qua bao thế hệ Việt Nam cho tới ngày hôm nay. Những lời di chúc ấy giản dị nhưng làm chúng ta ứa lệ và làm trái tim chúng ta ngập tràn yêu thương và đức tin bất diệt. Mỗi khi những lời di chúc ấy vang lên, chúng ta lại thấy Tổ quốc linh thiêng hiện ra và tương lai rực sáng. Và chúng ta có đủ lý do và sức mạnh để sống, để lao động sáng tạo và hy sinh cho sự sống của con người trên mặt đất này mỗi ngày một tốt đẹp hơn”.

Bà má miền Nam đẫm lệ chống nạng ra dự lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ảnh : Trong triển lãm Ký ức Hà Nội của nghệ sĩ Hữu Cấy.

Bên cạnh đó, khi làm tập một, Bác Hồ viết di chúc, tôi tới nhà sàn, nơi Bác đã sống và làm việc. Tôi rất xúc động và có cảm giác hơi ấm của Bác vẫn đâu đây qua những vật dụng đơn sơ Người sử dụng. Chúng tôi ghi những hình ảnh nhà sàn Bác Hồ, cố gắng truyền tới người xem những nỗi niềm xúc động đó.

Từ khi tôi chuẩn bị dự án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông, tôi bắt đầu trực tiếp tìm hiểu những tư liệu về cuộc đời hoạt động của Bác, mà sau này, đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi đã thực hiện. Càng tìm hiểu về Bác, tôi càng thấy nể phục và kính yêu Bác.

- Phim có đội ngũ đạo diễn tới hơn 10 người, làm thế nào để tạo ra mạch thống nhất cho 25 tập phim?

- Mỗi tác giả tập phim có những phong cách riêng, tạo nên sự phong phú trong ngôn ngữ thể hiện, nhất là với loại hình phim tài liệu, mà hiện tại còn chưa thật hấp dẫn với phần đông công chúng. Nội dung từng tập phim được xác định rõ ràng, cụ thể.

Dung lượng giữa sử dụng tư liệu và quay mới cũng được cân đối theo tỷ lệ nhất định. Giọng đọc, lời bình cũng vậy: có giọng nam, giọng nữ, giọng Hà Nội, giọng Sài Gòn. Công tác chủ yếu của Tổng biên tập và Tổng đạo diễn là “ép” các tác giả theo đúng nội dung chủ đề đã được ấn định trong từng tập phim, rà soát tước bỏ những gì trùng lặp và gợi ý về phương thức thể hiện sao cho hấp dẫn hơn. Ngoài ra Tổng đạo diễn cũng trực tiếp sửa chữa những sai sót (nếu có) của tập phim nhằm nâng cao tính tư tưởng và thẩm mỹ.

Tổng đạo diễn phim tài liệu 40 năm thực hiện di chúc Bác Hồ, đạo diễn Lê Đức Tiến

- Các nhà sử học có vai trò ra sao trong quá trình soạn thảo đề cương và kịch bản bộ phim này, thưa ông?

- Đây là bộ phim tài liệu nghệ thuật chính luận. Những người soạn thảo kịch bản hầu hết trên dưới 50 tuổi, nên đều có những hiểu biết về lịch sử cách chúng ta không xa.

Ngoài ra tính lịch sử trong dự án phim chỉ là một trong những yêu cầu đặt ra, bên cạnh tính tư tưởng, triết học, tính nghệ thuật, tính đảng, tính nhân dân v.v… GS -TSKH Phùng Hữu Phú, Trưởng ban chỉ đạo dự án phim cũng là nhà sử học, đã có những góp ý thiết thực về nội dung và chủ đề phim.

Đề cương và kịch bản phim có sự tham gia thẩm định và tư vấn của các chuyên gia về Hồ Chí Minh như GS. Trần Thành, GS. Đặng Xuân Kỳ, cũng như nhiều nhà nghiên cứu về Hồ Chí Minh khác.

“Bộ phim có những tư liệu mới. Chẳng hạn tư liệu mà đoàn làm phim quay tại Mỹ là hoàn toàn mới. Đặc biệt, trong đó có đoạn về ca sĩ Peter Seeger, một ca sĩ nổi tiếng của Mỹ, coi Bác Hồ như một người thầy và đã sáng tác bài hát Người thầy giáo Bác Hồ. Tìm nhân vật này hết sức khó khăn, phải qua rất nhiều người Mỹ khác mới tìm được, bởi ông đã 90 tuổi, sống ẩn dật trong một khu rừng”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét