Chủ Nhật, 3 tháng 1, 2010

Hạ Long dưới góc nhìn của một đạo diễn trẻ

Đạo diễn Đào Thanh Hưng trở về sau dự án “Phát triển điện ảnh Việt Nam” tại Mỹ đã bắt đầu chuỗi chương trình này với sự tìm tòi đáng chú ý. Di sản thiên nhiên trong lòng thành phố trẻ là tác phẩm mở đầu cho một loạt dự án đã được triển khai và sẽ ra mắt trong thời gian sắp tới.

Ảnh minh họa

Một cảnh trong phim


Ngay trong lần phát sóng đầu tiên vào ngày 20/11/09 trên kênh VTCHD1, bộ phim tài liệu trải nghiệm “Di sản thiên nhiên trong lòng thành phố trẻ” đã nhận được khá nhiều phản ứng tốt từ phía khán giả, bởi bên cạnh những khuôn hình đẹp, nét căng và trong trẻo còn là lối dẫn dắt và xây dựng một câu chuyện rất mới lạ.

Đạo diễn Đào Thanh Hưng trở về sau dự án “Phát triển điện ảnh Việt Nam” tại Mỹ đã bắt đầu chuỗi chương trình này với sự tìm tòi đáng chú ý. Dự án tiếp theo của anh là “Chân dung và cuộc sống” sẽ chạy dài trong năm 2010. Và Tết này, khán giả sẽ được xem bộ phim truyện đầu tay 110 phút mang tên “20 ngày yêu”. Bộ phim hài tình cảm lãng mạn với nhiều tình tiết dí dỏm trẻ trung sẽ phát sóng vào đúng ngày 14/2/2010 trên hệ thống kênh HD - truyền hình độ nét cao.

Đi tìm giọng đọc lời bình… nghiệp dư

Tôi đoán, xem “Di sản thiên nhiên trong lòng thành phố trẻ”, điều đầu tiên khiến khán giả bất ngờ và có nhiều người sẽ không quen với giọng đọc lời bình phim.

Người nào tinh ý nghe một chút thì biết ngay đó là một giọng đọc… không chuyên. Không bài bản cũng không trau chuốt, nhưng lại là một chất giọng lạ rất ấm. Có chút gì mộc mạc, bình dị tựa như hơi thở của cuộc sống ẩn sâu trong chất giọng đó khiến người xem như bị hút vào câu chuyện.

Xây dựng một nội dung kịch bản mới, một cách thể hiện lạ khiến tôi không thích thú với việc mời những giọng đọc chuyên nghiệp mà mình từng cộng tác mặc dù đó là những người rất giỏi và hợp cho nhiều bộ phim. Câu chuyện về một di sản mà tôi muốn gửi tới người xem là những điều giản dị nhất, gần gũi nhất từ cuộc sống, vì thế một giọng đọc kinh nghiệp, trau chuốt, đầy kỹ thuật lại tạo cho tôi cảm giác chênh vênh và khập khiễng trong tác phẩm của mình, tôi cần tìm một giọng nói mộc nhưng lại tình cảm như chính con người của vùng biển…

Nguyễn Sơn gần 50 tuổi, vốn là hoạ sỹ, nhà nhiếp ảnh rồi trở thành bác sỹ. Lần đầu nghe anh Sơn nói chuyện, tôi nghĩ ngay sẽ có ngày mời anh đọc trong phim của mình. Giọng dầy và ấm của người bác sỹ tâm lý luôn lắng nghe và nói chuyện với bệnh nhân cũng là giọng chưa bao giờ đọc thuyết minh phim tài liệu.

Thuyết phục Nguyễn Sơn tham gia đọc lời bình cho “Di sản thiên nhiên trong lòng thành phố trẻ” đồng nghĩa với việc tôi phải sẵn sàng dành một thời gian không nhỏ cho việc thu âm. Chúng tôi đã thu thử đến cả 7 lần. Thuyết minh phim “nghiệp dư” của tôi làm việc giàu tính cảm xúc và hiểu điều mình đang đọc. Cách đọc, cách ngắt nhịp, nhả chữ, lấy hơi của Nguyễn Sơn cũng khác so với những giọng đọc thuyết minh thông thường, vì thế anh đã tự chủ động sửa những câu chữ, ngắt nhịp cho phù hợp với giọng đọc của mình.. Anh đọc hoàn toàn theo cảm xúc, để cảm xúc cuốn trôi mình đi theo từng câu chữ, từng khuôn hình lướt qua trước mắt. Tôi có thể nghe cả tiếng thở của anh, nghe cả tiếng anh lấy hơi, nghe thấy cả sự run run trong giọng của anh ở một khoảnh khắc nào đó. Tất cả những điều này đều là biểu hiện của một chất giọng không chuyên lần đầu đọc thuyết minh phim tài liệu, nhưng lại khiến tôi bị cuốn hút trong những cảm xúc rất thật của cuộc sống. Tôi chắc nhiều khán giả cũng sẽ có cảm giác đó giống như tôi…

Ảnh minh họa

Cầu kỳ trong từng cảnh quay


Góc nhìn đa chiều từ những sự trải nghiệm

Đây có lẽ là điểm đặc biệt nhất trong tác phẩm của tôi.

Nhắc đến phim tài liệu trải nghiệm, khán giả đã quá quen thuộc với việc theo chân một nhân vật trải nghiệm khám phá cuộc sống suốt từ đầu tới cuối câu chuyện. Ban đầu, tôi cũng dự định sẽ làm theo đúng công thức như thế. Nhưng gần một tuần rong ruổi ở Quảng Ninh tôi đã phát hiện ra Hạ Long còn có những gương mặt khác so với những gì mọi người từng biết, từng thấy trên phim ảnh, trên truyền hình. Tôi quyết định xây dựng không phải một mà là ba nhân vật trải nghiệm.

Họa sĩ Vũ Quý, người luôn lấy cảnh vật, con người vùng biển Quảng Ninh làm đề tài cho những tác phẩm của mình.

Lê Cường, nhân viên truyền thông ở Hà Nội, trở về thăm quê và cô cháu gái Thu Trang sau nhiều năm xa cách.

Thu Trang, cô bé 11 tuổi, sinh ra và lớn lên tại thành phố Quảng Ninh xuất hiện với bài tập làm văn dang dở. Cô bé viết về Quảng Ninh với cảnh đẹp, với nguồn khoáng sản phong phú… nhưng có cái gì đó vẫn thiếu khiến cô bỏ ngỏ dở trang viết của mình…

Ba con người tưởng như tách biệt nhưng lại xuất hiện trong những mắt xích rất liền mạch với nhau. Sự xuất hiện của mỗi nhân vật, câu chuyện của mỗi nhân vật tôi đều xây dựng với mục đích: tạo cho người xem có thêm những cách nhìn mới về một vùng di sản.

Thu Trang xuất hiện trên bến phà, tung tăng chạy nhảy với chiếc cặp trên vai trở thành một nét động chấm phá bất ngờ trong bức tranh phong cảnh tĩnh lặng của họa sĩ Vũ Quý. Từ bức tranh ấy, người họa sĩ theo chân cô bạn nhỏ bước xuống thuyền nan bán hàng rong của những người từ vùng quê xa tới chợ nổi làm ăn. Ông phát hiện ra bên cạnh những cảnh tượng thiên nhiên hoành tráng, những ánh đèn lấp lánh của thành phố trẻ đầy sức sống còn có những ngôi nhà lênh đênh trên sóng, những bữa cơm nhanh và bồng bềnh…

Lê Cường đi từ sự xa hoa trên con tàu du lịch năm sao, thưởng ngoạn cảnh đẹp của bờ cát trắng, của vùng Vịnh nước xanh biếc như ngọc tới chuyến đi chơi cùng cô cháu gái Thu Trang để biết: có những ngôi trường chỉ gồm 5 lớp học nổi bồng bềnh trên biển mà không bao giờ học sinh ngồi hết số bàn trong lớp. Có những người chỉ khát khao có thêm một chiếc radio để nghe tin tức, khát khao cóp đủ tiền mua máy phát để biết ánh sáng của điện, khát khao được dầm mình tắm trong nước ngọt một cách thoải mái…

Cô bé Thu Trang bỏ lại đằng sau cuộc sống bình yên, vui vẻ của mình, đi cùng cậu Lê Cường tới thăm các bạn nhỏ ở chợ nổi, ở Vông Viềng để biết bàn tay nhỏ bé của cô được bố mẹ yêu thương dắt đi chơi, còn bàn tay nhỏ bé của các bạn nhỏ ấy lại dắt tay du khách lên thuyền kiếm từng đồng tiền lẻ…

Tôi xây dựng ba nhân vật với những góc nhìn đa chiều với mong muốn người xem sẽ nhìn ngắm một trong những di sản đẹp nhất thế giới với một gương mặt hoàn toàn khác. Một thành phố Hạ Long trẻ, sôi động, xa hoa, mỹ lệ, hoành tráng với những di sản thiên nhiên nhưng cũng là một Hạ Long không tồn tại những thứ được coi là tối thiểu nhất cho nhu cầu cuộc sống của con người: nước sạch, bệnh viện… Gương mặt ấy cũng là một phần nằm trong di sản… Những trải nghiệm của nhân vật trong phim cũng chính là những trải nghiệm thực sự của tôi trong chuyến đi này.

Ảnh minh họa

Trèo lên núi Bài Thơ để ghi hình


Vật vã cùng phim

Chỉ mất năm ngày để hoàn thành toàn bộ phần ghi hình nhưng tôi lúng túng trong cách dựng đến gần hai tháng. Chính xác phải sử dụng từ “lúng túng”.

Người dựng phim ở Hollywood luôn được coi là một đạo diễn thứ 2. Sau khi ghi hình, bản dựng đầu tiên đạo diễn bao giờ cũng dành cho người dựng phim. Người dựng phim sáng tạo từ các cảnh quay theo mạch truyện và tư tưởng của đạo diễn cộng với chất liệu mang về. Vì thế đó là một sản phẩm có nhiều nét mới mẻ, sáng tạo so với ý tưởng ban đầu của đạo diễn hình ảnh và người viết kịch bản.

Sau khi có bản dựng thứ nhất đó, đạo diễn mới ngồi vào và chỉnh sửa để tạo ra một bản phim phát sóng hoàn thiện. Nói một cách khác, ở Hollywood, nhiều khi người dựng phim có lối tư duy hình ảnh “khủng” không thua gì đạo diễn vì họ thường tìm ra nhiều cách thiết kế câu chuyện trên nền những thứ đã quay.

Tôi thích dựng phim. Ngồi máy tính là cách tôi có thể có cách nhìn nhận thứ hai, khác cái nhìn đầu tiên của mình khi va đập với các nhân vật ở trường quay.

Suốt quá trình dựng phim, phải cố gắng lắm tôi mới thoát mình ra được khỏi cái cảm giác của người làm phim để xem với vai trò của một khán giả. Dành xem bản nháp không dưới trăm lần. Đảo các thứ tự cảnh nhưng rồi tôi vẫn không cảm thấy ưng ý với những gì mà mình đang kể.

Bình thường, phim tài liệu trải nghiệm là câu chuyện kể của một nhân vật từ đầu đến cuối. Dựng phim chỉ cần phải suy nghĩ dựng khúc nào trước, khúc nào sau. Nhưng “Di sản thiên nhiên trong lòng thành phố trẻ” được thiết kế đến ba tuyến nhân vật trải nghiệm, chưa kể có nhiều chỗ mình gài để gợi mở ở các phần kế tiếp. Sắp xếp làm sao cho hợp lý, để các nhân vật có thể móc nối vào nhau thành một móc xích hoàn hảo là một bài toán không hề dễ giải chút nào.

Mắc trong đám tư liệu, đảo các cụm hình, làm đi làm lại không biết bao nhiêu lần. Nhiều lúc không tìm được lối thoát, mình bực lắm. Nhưng cái ham của người làm phim muốn tìm một lối đi “có vẻ khác lạ” lại quấn lấy mình. Đập đi, dựng lại, đập đi, dựng lại…

Hạ Long không chỉ là nơi tôi sinh ra. Ở đó có những điều tôi rất hiểu, nhưng có những điều mà nhiều người sống ở đó lâu cũng không hiểu. Tôi không muốn, và cũng không thể ôm trọn cả Hạ Long trong 30 phút phim của mình. Tôi chỉ muốn kể những gì dung dị, nhẹ nhàng về một thành phố Trẻ nhưng mang trong mình di sản thiên nhiên ngàn năm. Sự tương phản ấy sẽ lôi cuốn du khách đến và khám phát mảnh đất thân yêu này. Mảnh đất không chỉ có trữ lượng than lớn nhất cả nước, không chỉ có nhà máy nhiệt điện cung cấp hàng tỉ Kwh và sử dụng nước biển làm mát. Mảnh đất còn có những con người mà cả đời lênh đênh trên sóng nước của Vịnh. Đêm đêm áp tai vào những chiếc radio nhỏ rè rè vì “sóng điện còn chưa căng đầy như sóng biển”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét