Chủ Nhật, 3 tháng 1, 2010

Hình ảnh Hà Nội trong phim tài liệu Việt

Đã từ lâu, Hà Nội là chất thơ quen thuộc, đi vào những khuôn hình, góc máy của nhiều nhà làm phim tài liệu. Họ đưa đến cho những người yêu Hà Nội một cái nhìn, một cách nghĩ, cách cảm rất chân thực và sống động về mảnh đất Kinh kỳ- nghìn năm văn hiến.
Phim tài liệu với những đặc trưng vốn có của nó như: lột tả tất cả mọi vấn đề ở tận ngóc ngách của đời sống xã hội. Là loại hình điện ảnh trực tiếp, nhân vật phim là những con người thực trong cuộc sống, tự bộc lộ bản thân và hoàn cảnh. Điều này mang đến cho phim tài liệu sức sống mới và tạo nên sự cuốn hút đối với khán giả. Tất cả những điều đó đều được các nhà làm phim tài liệu sử dụng thành công trong những bộ phim tài liệu thực hiện về đề tài Hà Nội.


Hà Nội gắn bó như một người bạn từ lúc sinh thời cho tới khi mái tóc xế bạc, ngả màu thời gian. Hà Nội in dấu những năm tháng từ bom đạn chiến tranh tới khi chứng kiến những niềm vui tuôn trào khi đoàn tụ. Đất Thăng Long như một nỗi niềm trầm mặc, vừa cổ kính, u hoài, lặng lẽ vừa trữ tình, kỳ diệu như một trang thơ đẹp… Tất cả cứ như vậy, đi vào lòng của muôn triệu thế hệ các văn nghệ sĩ trong đó có những nhà làm phim tài liệu nổi tiếng nhất nhì Việt Nam như: Lê Mạnh Thích, Trần Văn Thủy hay Nguyễn Thước. Họ sáng tạo vẻ đẹp của Hà thành bằng sự tỉ mỉ, sự phiêu linh trong từng phút hình và có cả tình yêu tha thiết đối với Hà Nội. Mỗi bộ phim một cách thể hiện khác nhau, mỗi một bộ phim là một tiếng nói khác nhau nhưng đều đẹp, nên thơ và sâu lắng. Người ta xem những hình ảnh về Hà Nội thấy sao đất Thăng Long xưa đẹp và quá đỗi nên thơ, người ta nghe những lời bình mà như được nghe tiếng thổn thức từ một trái tim đang rạo rực, say mê và yêu thương Hà Nội đến cháy bỏng. Hà Nội êm dịu như một bản tình ca, đằm thắm và e ấp như một người tình nhỏ. Hà Nội – đó là thiên thần của những tác phẩm tài liệu đẹp và có ý nghĩa. Bài ca của hình ảnh cứ như vậy tồn tại như một miền ký ức xanh tươi và không bao giờ cũ trong lòng khán giả- những người yêu Hà Nội.


Bộ phim “Hà Nội trong mắt ai” của đạo diễn Trần Văn Thủy là một “cú hích” của điện ảnh tài liệu lúc bấy giờ. Đạo diễn TrầnVăn Thủy được coi là người “đi trước thời đại”, khi thông qua những hình ảnh trong phim, miêu tả lại những hình ảnh trong quá khứ để nói chuyện hôm nay, nói chuyện của thời hậu chiến. Có lẽ vì vậy mà suốt một thời gian dài, bộ phim bị kiểm duyệt khá nặng nề và bị nhiều cơ quan chức năng ban lệnh cấm công chiếu rộng rãi. Tuy nhiên, khi tác phẩm này được ra mắt công chúng, người ta không khỏi ngỡ ngàng bởi sự tinh tế, sâu sắc và mới mẻ, độc đáo của nó. Bộ phim như kéo người xem trở lại quá khứ, quay về với những dấu mốc lịch sử huy hoàng, hiển hách của dân tộc Việt Nam. Những di tích lịch sử nổi tiếng nhất Hà thành được đạo diễn khai thác ở mọi góc độ, khía cạnh. Từng di tích, địa điểm lại gắn với một câu chuyện, một điển tích… khác nhau được Trần Văn Thủy kể lại. Cái đẹp của Hà Nội, nét cổ kính của “năm cửa ô” như có một ma lực hấp dẫn, cựa quậy và sinh động quá đỗi trong bộ phim. Bộ phim mở đầu bằng hình ảnh người nghệ sĩ ghi ta nổi tiếng Văn Vượng đang ngồi diễn tấu ghi ta một mình. Anh như đắm mình trong tình khúc về Hà Nội. Có điều đặc biệt là người nghệ sĩ yêu tha thiết Hà Nội ấy lại bị mù. Anh khát khao được một lần nhìn thấy Hà Nội. Anh không nhìn Hà thành bằng mắt mà cảm nhận Hà Nội bằng tiếng xôn xao, khẽ khàng của trái tim. Anh nhìn Hà Nội bằng sự tưởng tượng của mình. Cái hay của phim là ở đó. Từ cái nhìn trong nỗi chờ mong da diết, cháy lòng của Văn Vượng đạo diễn đã đi đến điểm nhìn của rất nhiều những người khác và cả chính mình về Hà Nội.
Sự đặc biệt của câu chuyện ngay từ phần mở đầu cứ thế tăng lên, khiến khán giả như bị thu hút, như bị thôi miên vào đó. Bộ phim từ hình ảnh một người Hà Nội cứ như vậy đẩy dần và trôi về phía những nhân vật, câu chuyện và địa danh khác. Êm đềm như một dòng chảy bộ phim cứ đi từ câu chuyện này sang câu chuyện khác, nó được móc nối với nhau một cách khéo léo, “có duyên”, lô gic đến tuyệt vời. Tiếng đàn của Văn Vượng cứ đi theo ta, theo mỗi khuôn hình để phả vào đó cái phảng phất của hồn thiêng sông núi, cái hồn vía của ba sáu phố phường. Không thể phủ nhận màu sắc được đạo diễn thể hiện trong phim đã có một sức lôi cuốn rất đặc biệt. Gam màu xanh tươi sáng, việc giữ tông màu đó chủ đạo xuyên suốt từ đầu đến cuối phim như làm sáng lên cái sự tươi mới của đất Thăng Long xưa sau đạn bom khắc nghiệt. Không chỉ vậy mà mỗi một điển tích, một câu chuyện văn hóa được đạo diễn gửi gắm trong mỗi một di tích tại Hà Nội lại được ngân nga bởi những thể loại âm nhạc khác nhau. Có khi là tiếng đàn bầu, có khi là tiếng ghi ta giản dị, mộc mạc. Cũng có lúc là một giọng dân ca tha thiết, hay một câu hát trữ tình hoặc một chút nhạc ngoại cho thêm phần phong phú… Tất cả tạo thành một hành trình thống nhất về âm nhạc trong cả mạch phim.


Đạo diễn đã cất công đi tìm và đưa vào phim tất cả những địa danh nổi tiếng nhất của Hà Nội. Mỗi địa danh lại mang trong đó một câu chuyện riêng. Xem phim không chỉ thấy yêu một mảnh đất đẹp, nên thơ đến thế mà còn hiểu hơn về lịch sử lâu đời của mảnh đất này. Cái hay của bộ phim được đạo diễn làm tới “tận cùng” khi đưa và lồng ghép vào đó những hình ảnh những văn nghệ sĩ đã gắn bó máu thịt với Hà thành. Đó là hình ảnh của Bùi Xuân Phái đang say sưa bên giá vẽ để phiêu linh trong những bức họa về Hà Nội. Tranh của người họa sĩ lãng tử, hào hoa này đã mang chứa trong nó những gì tinh túy nhất, đặc trưng nhất của Hà Nội cổ kính. Rồi từ Bùi Xuân Phái cho tới những Đào Trọng Khánh, Lưu Xuân Thư và cả Trần Văn Thủy nữa, đều lần lượt xuất hiện trong mỗi khuôn hình của bộ phim, họ nói say sưa về vùng đất văn vật này giống như một lời tri ân sâu sắc. Với họ đất Thăng Long xưa “Vẻ đẹp vẫn vĩnh viễn in trong mắt… và Hà Nội của chúng ta đẹp thế nhưng dường như cái đẹp trong mắt mỗi người lại không giống nhau”. Khép lại bộ phim trong tiếng đàn của Văn Vượng, ta thấy vẫn cứ vương vấn những niềm hoài cổ, sâu lắng bởi một tiếng gọi với Hà Nội xa xưa. Bộ phim nhẹ nhàng, man mác, bàng bạc như một hơi thơ đi vào tâm trí. Ta hiểu vì sao mà sau khi bộ phim này được cho phép công chiếu rộng rãi, nó lại thu hút đông đảo người xem đến thế. Mỗi ngày có tới ba ca chiếu, mà lần nào khán giả cũng phải xếp hàng đợi chờ mua vé. Nếu tính vào thời điểm lúc bấy giờ thật hiếm có bộ phim tài liệu nội nào lại có thể có sức hút mạnh đến vậy. Ta xem bộ phim mà như thấy xao xuyến trước một cái hồn Hà Nội. Ta lại nhớ đến câu thơ của Nguyễn Siêu khi đến với tháp bút. Nó đã đi vào lòng, vào tiềm thức của muôn triệu thế hệ người dân đất Hà thành :
“Từ thuở mang gươm đi mở nước
Nghìn năm thương nhớ đất Thăng Long”

Câu thơ ấy phải chăng chính là điều mà đạo diễn Trần Văn Thủy muốn gửi gắm đến những thế hệ sau. Phải luôn biết trân trọng quá khứ, luôn biết trân trọng lịch sử. Bởi lịch sử ấy được xây dựng bằng dấu ấn tâm hồn, bằng sự hi sinh, đổ máu, bằng những năm tháng hào hùng đã qua cũng như dấu vết của những địa chỉ văn hóa, sinh hoạt văn hóa đặc trưng như: Người Hà Nội thích vào cà phê Lâm để nhâm nhi một ly cà phê buổi sáng, thích treo tranh Bùi Xuân Phái… Tất cả đã tạo cho Hà Nội một đặc trưng riêng rõ nét. Như lời một người nước ngoài nói khi đến thăm Hà Nội được Trần Văn Thủy đưa vào trong phim: “Tôi thấy Hà Nội như một cái làng”… Một cái làng văn minh chứa đựng trong đó chiều sâu của văn hóa, sự rộng lớn, khái quát của cái đẹp được nhìn nhận ở mọi góc độ khác nhau. Trong cái mênh mông, trong vẻ đẹp kiêu sa mà thân thương, gần gũi của đất Thăng Long ta nhận ra vẻ đẹp cội nguồn đã được ăn sâu và bền chặt, mỗi ngày lại được tiếp nối, nuôi dưỡng bằng tâm hồn mỗi thế hệ những người Hà Nội. Trong dòng chảy hối hả của thời gian, sự khắc nghiệt của nó đã in hằn lên những địa chỉ văn hóa, những con đường của “36 phố phường” ngày nào những rêu phong, trầm mặc tuy nhiên ta vẫn thấy Hà Nội hào hoa và đẹp mãi “trong mắt ai” yêu quý nó.
“Ơi những dòng sông bắt nước từ đâu
Mà khi về đất nước mình thì bắt lên câu hát”..

Một câu hát được ngân lên trong tiếng hồn thiêng muôn trùng, trong cái đẹp của những đôi mắt hướng về Hà Nội, yêu Hà Nội.
Khác với “Hà Nội trong mắt ai”, bộ phim tài liệu “Từ Hollywood tới Hà Nội” của nữ đạo diễn Việt Kiều Tiana Thanh Nga lại là một cuộc hành trình kéo dài 20 năm từ Mỹ trở về Hà Nội. Bộ phim dài 78 phút, được thực hiện năm 1993, từng giành nhiều giải thưởng quốc tế.


Năm 1988, Tiana cùng chồng lần đầu về Việt Nam. Theo lời khuyên của chồng, bà đã ghi lại những hình ảnh quê hương ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước và thực hiện loạt phỏng vẫn các nhân vật lịch sử. Tiana tâm sự khi được hỏi về bộ phim: “Chồng tôi – anh ấy nói những thước phim này là cầu nối giưa hai dân tộc Việt- Mỹ, giưa Phương Đông và Phương Tây. Chồng tôi rất yêu Việt Nam. Anh ấy đọc nhiều sách về Bác Hồ..” Chính ông là người đã đưa cho Tian những cuốn sách về Việt Nam, về Bác Hồ.. khi cô còn chưa có nhiều thông tin về quê hương.

Để làm phim “Từ Hollywood đến Hà Nội”, Tiana đã về nước hàng chục lần. Nhưng khó khăn mà hơn cả mà bà đã vượt qua là các thủ tục khá phiền phức hồi bấy giờ để được tiếp cận một số nhân vật lịch sử.. “Khi đem những cuộn phim về Mỹ, ba tôi cần mẫn xem phim và phiên dịch cho tôi từ tiếng Việt sang tiếng Anh vì lúc đó, tôi không giỏi tiếng Việt. Ba lặng lẽ giúp tôi dù ba khuyên tôi không nên đi làm phim” Tiana kể lại trong xúc động khi bày tỏ cho những khán giả Việt Nam xem phim. Báo chí phương Tây đánh giá, phim của Tiana có sứ mệnh hà gắn vết thương chiến tranh và hòa bình giữa hai dân tộc Việt- Mỹ (khi ấy lệnh cấm vận của Mỹ có hiệu lực với Việt Nam). Bộ phim đã ra đời sau những khó khăn, trăn trở và cả tình yêu, niềm khao khát như thế…
Xem “Từ Hollywood đến Hà Nội” thấy ngồn ngột sức sống và sự chân thực. Sự chân thực đến tuyệt đối đã làm nên một bộ phim tài liệu gây tò mò, sửng sốt và khiến khán giả không thể rời mắt khỏi màn hình khi theo dõi. Để có được 78 phút của bộ phim đạo diễn Tiana đã phải quay đến hàng chục ngàn met phim tư liệu sau đó chắt lọc lấy những gì tinh túy nhất, có giá trị nhất. Gía trị của sự thật lịch sử thông qua “đôi mắt xanh” của nữ đạo diễn này đã khiến nhiều người phải thảng thốt, xúc động. Khung cảnh Việt Nam ở ba miền Bắc- Trung- Nam hiện lên đến rõ nét, đầy đủ. Có sự hào nhoáng, nhộn nhịp, hiện đại của Sài Gòn dưới chế độ Ngụy quyền. Có những cảnh nghèo khó, xác xơ, đau thương đến xé lòng nơi chiến tranh đi qua ở miền Trung ruột thịt. Cũng có cái cổ kính, trầm mặc của Hà Nội hào hoa, của những vùng đất Bắc Bộ gần gũi. Đạo diễn đã tìm chất liệu thể hiện rất đặc sắc. Cái màu của cuộc sống được phả vào những thước phim nhựa khiến ta thật sự cảm phục Tiana. Những cuộc gặp gỡ với những nhân vật lịch sử của Việt Nam như: đại tường Võ Nguyên Giáp, nhạc sĩ Xuân Hồng hay Văn Cao…đều gây cho người xem những bất ngờ và sự thú vị. Cái không khí của Hà Nội được nữ đạo diễn này lựa chọn như mang một cái thần riêng. Vẫn là hình ảnh những chiếc xe đạp xuất hiện trong những năm 80 của thế kỷ trước hay những thiếu nữ Hà thành trong những chiếc áo dài trắng thướt tha, đổ bóng xuống Hồ Gươm trong những buổi chiều lãng đãng…

Một chút sôi động hòa quyện trong một chút mênh mang.. đã làm cho không gian Hà Nội trong “Từ Hollywood đến Hà Nội” đi vào lòng khán giả. Phải chăng vì vậy mà khi xem xong bộ phim của nữ đạo diễn này mà rất nhiều những người dân ở Mỹ muốn được đến với con người, đất nước Việt Nam thân yêu “xanh xanh bóng tre, kiêu hùng mà lại đẹp đến mê hồn. Còn đối với những Việt kiều xa quê hương thì bộ phim đã giúp họ thêm một lần nữa được ngắm nhìn đất nước xinh đẹp của mình, trở về Việt Nam trong hành trình của nỗi nhớ, trong tâm tưởng của mình. Đó chính là cái hay của điện ảnh. Dùng khuôn hình gợi cảm, dùng những thứ âm thanh hay một câu bình để lôi kéo khán giả, khai phá những bí ẩn, những tâm tư sâu kín trong lòng để người ta thấy thêm yêu, thêm thương một miền quê, một vùng đất có trị.

Hà Nội cứ như vậy lớn dần và trưởng thành trong suy nghĩ của những con người yêu nó đến vậy. Như một cây non khát ánh sáng mặt trời, như một người gieo hạt… Hà Nội gieo vào lòng ta những nhớ mong tha thiết và cho ta một tình yêu đẹp. “Từ Hollywood đến Hà Nội” đã mang trong nó một tình yêu lớn lao với quê hương, đất nước. Đó là niềm tự hào dân tộc, tự hào về mảnh đất của mình nơi quê hương, xứ sở. Xin trích một câu thơ của Chế Lan Viên để làm lời kết cho những cảm xúc khi viết về bộ phim này:
“Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”

Nỗi nhớ quê hương phải chăng chính là động lực để Tiana Thanh Nga có thể hoàn thành bộ phim này.

Bên cạnh những đạo diễn phim tài liệu như Tiana Thanh Nga hay Trần Văn Thủy, còn có những nhà làm phim tài liệu khác cũng đã đi vào khai thác, khám phá vẻ đẹp “muôn hình vạn trạng” của Hà Nội yêu dấu. Hà Nội có thể như những anh hùng lập công mừng sinh nhật Bác cũng có thể đẹp dịu dàng trong lúc sương tan, khi tiếng cựa quậy của những bông hoa chợt bung ra trong nắng, trong tiếng tí tách của mưa đêm còn vương lại đâu đó trên mái phố… tất cả tạo thành một bản hòa tấu rất đỗi tuyệt vời về Hà Nội. Những lời bình này như một làn mây đi vào trong tâm hồn ta “Nhiều lần tôi phải rời xa Hà Nội. Bao giờ tôi cũng mang theo một khoảng trống vắng trong lòng. Một cái gì đó không thể diễn tả nỗi. Nhưng có lẽ, day dứt vẫn là hình ảnh cha tôi ngồi trước mặt trời mỗi sớm và Hồ Gươm nhìn từ góc sân nhà tôi vào lúc sương tan.

Hôm nay, về Hà Nội, sau một chuyến đi dài. Không hiểu sao, những chiếc xe thồ rau quả, hoa lá từ ngoại thành như cuốn hút tôi đi tìm lại một Hà Nội thưở ấu thơ. Men theo cầu Long Biên, tôi hòa vào cùng dòng chảy của những người dân lao động ùa vào lòng Hà Nội. Khắp phố phường Hà Nội vận động khoan khoái nhẹ nhàng như vừa trở mình thoát ra khỏi giấc ngủ say…”

Hà Nội vẫn đang tiếp tục đi vào trong ngọn nguồn sáng tạo của những nhà làm phim tài liệu. Khi mà đại lễ kỷ niệm một nghìn năm Thăng Long- Hà Nội đang đến gần thì những thước phim về Hà Nội tiếp tục ra đời trong những nỗi niềm, tình cảm của những nhà làm phim tài liệu về mảnh đất này. Hà Nội như một niềm tự hào, như một nguồn cảm hứng đẹp mãi, thơ mãi trong lòng họ. Ta hiểu sao mỗi khi những người Hà Nội đi xa, họ lại vội vã trở về như để được thấy lại bóng dáng của người tình cũ, như để được tận hưởng cái mùi thanh khiết của hoàng lan trên những con phố vắng, mùa nồng nàn của hoa sữa mỗi khi thu về. Những buổi chiều đông lảng bảng đi vòng quanh những con đường rêu phong rồi ngồi ăn ngô nướng bên bếp lửa hồng hay những ngày Hà Nội chợt nắng rồi lại chợt mưa. Tất cả đã làm nên một hương sắc Hà Nội dịu dàng, thân quen đến thế…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét