Chủ Nhật, 3 tháng 1, 2010

Đạo diễn Hải Anh và phim tài liệu "Hoàng thành Thăng Long"

Một Thăng Long thành cổ với "Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo/ Nền cũ lâu đài bóng tịch dương" của văn chương và một Hoàng thành phát lộ bằng xương thịt trong cuộc khai quật Ba Đình đã được nữ đạo diễn Hải Anh tái hiện qua bộ phim tư liệu dài 20 phút. Đạo diễn đã trò chuyện với chúng tôi.

- Cuộc khai quật khu Ba Đình đã tiến hành từ tháng 12/2002, một phần kết quả khảo cổ cũng được báo giới công bố từ vài tháng trước. Liệu "Hoàng thành Thăng Long" có còn tính thời sự?

- Phim chủ yếu phát sóng ở TP HCM. Cho đến nay, một bộ phận lớn dân cư miền Nam như công nhân, tiểu thương vẫn chưa có được thông tin về khu di tích này. Báo chí, đài phát thanh, truyền hình thành phố cũng mới chỉ đưa dăm ba hình ảnh sơ sài về khu di tích nên chưa đủ thoả mãn nhu cầu thông tin cho công chúng. Vậy nên, trong phim tài liệu này, chúng tôi chú trọng khai thác phần hình ảnh về khu khảo cổ Ba Đình để khán giả trong Nam có cảm giác "tai nghe, mắt thấy". Với phương pháp ghi lại hình ảnh, hạn chế lời bình, tôi nghĩ dăm bảy năm sau, Hoàng thành Thăng Long vẫn có giá trị tư liệu cao.

- 5 năm trong nghề, chị đã có một "lưng vốn" kha khá với những "Người đàn bà hội nhập", "Đi tìm Nguyễn Sáng", "Làng cổ Đường Lâm"... Thế nhưng tất cả đều thiên về tính nữ, mềm mại, không gai góc. "Hoàng thành Thăng Long" của chị sẽ như thế nào?

- Ở Người đàn bà hội nhập, Thượng tướng Vũ Lăng... và bây giờ là Hoàng thành Thăng Long, lời và hình trong phim của tôi vẫn có cái vẻ mượt mà, trữ tình. Có lẽ vì tôi là đạo diễn nữ nên hợp với "gu" đó chăng? Một đặc điểm khác trong phim tài liệu của tôi là thường cố gắng không để lộ bàn tay dẫn dắt của đạo diễn bằng cách tiết chế tối đa phần bình luận và để cho nhân vật tự kể chuyện mình.

- Bỏ dở một phim đang quay theo kế hoạch để "nhảy cóc" sang đề tài khảo cổ; chật vật để xin giấy tờ, làm thủ tục; không có thời gian chuẩn bị tư liệu và đến lúc quay thì chỉ kịp gói trọn trong 3 ngày. Điều đó có ảnh hưởng gì đến hiệu quả của phim?

- Hoàng thành Thăng Long mới dừng ở mức một phóng sự truyền hình nên tôi cũng không kỳ vọng nhiều. Tuy nhiên, trong phim, chúng tôi đã đề cập đến việc bảo tồn vốn di sản dân tộc. Phim không sử dụng bất kỳ kỹ thuật, kỹ xảo nào và cố gắng ghi lại những điều mắt thấy tai nghe một cách thật khách quan. Về âm nhạc, để gợi cảm giác hoài cổ, tôi đã sử dụng nhạc hát văn và hòa tấu dân tộc trên nền bài thơ Thăng Long thành hoài cổ của Bà huyện Thanh Quan thế kỷ XVIII.

Mặt khác, phim chỉ được quay trong 3 ngày, nhưng chúng tôi đã làm việc cật lực từ sáng sớm đến tối mịt. Quay phim tài liệu, khó nhất là đề tài chiến tranh vì đòi hỏi đạo diễn phải có vốn sống, kinh nghiệm và kiến thức. Khi làm phim về thượng tướng Vũ Lăng, tôi gần như không biết gì về chiến thuật quân sự của ông. Mày mò hỏi người thân của ông thì bị từ chối vì trông "con bé... non quá!". Thế rồi chật vật mất mấy năm tôi mới làm xong. Nhưng Hoàng thành Thăng Long không thuộc loại chiến tranh "khó nhằn" nên chúng tôi làm cũng dễ. Hơn nữa, lại sẵn tư liệu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét