Chủ Nhật, 3 tháng 1, 2010

Các đạo diễn phim tài liệu trẻ của Việt Nam rất triển vọng

Tuần lễ Phim Tài liệu quốc tế đang diễn ra tại Việt Nam, trong đó Việt Nam tham gia trình chiếu bốn phim, hầu hết là các bộ phim được cho là kinh điển đã chiếu rất nhiều lần như: “Trở lại Ngư Thủy”, “Bài ca trên đỉnh Tà Lùng”…

KTĐT - Tuần lễ Phim Tài liệu quốc tế đang diễn ra tại Việt Nam, trong đó Việt Nam tham gia trình chiếu bốn phim, hầu hết là các bộ phim được cho là kinh điển đã chiếu rất nhiều lần như: “Trở lại Ngư Thủy”, “Bài ca trên đỉnh Tà Lùng”…

Tuy nhiên, ít tác giả trẻ được tham gia chiếu phim của mình tại đây, trong khi các chuyên gia nước ngoài lại đánh giá rất cao khả năng của các nhà làm phim trẻ Việt Nam. Điều này làm cho nhiều người đặt câu hỏi là chúng ta đang tham gia Tuần lễ phim này để có một cuộc giao lưu hay đây là một cuộc trưng bày các tác phẩm kinh điển của phim tài liệu nước nhà. Chúng tôi đã có cuộc trò truyện với chị Marina May, thuộc Viện Goeth Hà Nội, điều phối viên của dự án Tuần lễ phim này và đạo diễn Joseph Peaquin - vị đạo diễn trẻ của Italia với bộ phim tài liệu: “Ngày xửa, ngày xưa… những thú vui bình dị”.

- Chào chị Marina. Rất vui vì được gặp chị ở đây. Chị có thể cho biết ý tưởng từ đâu mà Tuần lễ phim tài liệu quốc tế được tổ chức tại Việt Nam?

Marina May: Tuần lễ phim lần này được tổ chức dưới sự hợp tác của Viện Goeth, Đại sứ quán Italia, Đại sứ quán Bỉ, Đại sứ quán Thụy Sỹ và Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương. Sở dĩ có sự hợp tác này là do chúng tôi thấy rằng người Việt Nam không thích xem phim tài liệu lắm. Họ nghĩ rằng phim tài liệu thường khô khan và không có tính giải trí. Chúng tôi muốn đưa phim tài liệu đến gần với người dân hơn, để họ thấy rằng phim tài liệu cũng có thể là một loại hình giải trí, cũng gây xúc động và thậm chí hài hước nữa. Chúng tôi không chỉ chiếu phim châu Âu mà chiếu cả phim Việt Nam với những chủ đề giống nhau để người xem có thể thấy được sự tương đồng cũng như sự khác biệt giữa văn hóa châu Âu và văn hóa Việt Nam, có thể đưa ra những so sánh thú vị về phim của hai bên nữa.

- Chị thấy khán giả phản ứng thế nào với Tuần lễ phim đang tổ chức ở đây?

Marina May: Điều khiến tôi ngạc nhiên đó là, hóa ra phòng chiếu này lại quá nhỏ bé so với lượng người đến xem. Khán giả phải ngồi tràn cả ra lối đi và càng về các buổi chiếu sau, khán giả đến càng nhiều. Họ đi xem rồi kể lại cho bạn bè, người thân của mình và rồi bạn thấy đấy, ngày càng có nhiều người đến hơn. Đầu tiên thì số ghế trong phòng chiếu này vẫn còn thừa chỗ vì người xem đến ít nhưng càng ngày lượng khán giả đến càng đông và bạn có thể thấy “Phim tài liệu đâu phải không hấp dẫn khán giả”. Đó là một thành công ngoài dự kiến vì trước đó chúng tôi tưởng tượng ra rằng sẽ chỉ có một vài khán giả đến thôi, và rồi phòng chiếu sẽ buồn như thế nào nhưng cuối cùng thì sao? Quả là thành công ngoài sức mong đợi và chính vì điều này mà chúng tôi dự kiến sẽ tổ chức nhiều hơn những buổi chiếu phim tài liệu như thế này.

- Làm việc nhiều với các đạo diễn phim tài liệu Việt Nam, chị đánh giá gì về họ?

Marina May: Đúng là tôi làm việc với rất nhiều tác giả phim tài liệu trẻ của Việt Nam và quả thật là họ đang làm rất tốt công việc của mình. Họ nghĩ ra những chủ đề rất thú vị và làm việc chăm chỉ, kể những câu chuyện rất riêng, rất Việt Nam. Nói chung có một bước chuyển lớn đang diễn ra ở đây. Những bộ phim của Việt Nam tham gia trình chiếu lần này cũng mang những chủ đề hay, tuy nhiên phim đã hơi cũ. Chúng tôi thực sự mong đợi những bộ phim mới của các tác giả trẻ Việt Nam và những cách nhìn mới của họ. Các phim tham gia chiếu lần này của Việt Nam là của các tác giả lứa trước và cũng đã được trình chiếu nhiều rồi, tôi thì vẫn hy vọng sẽ được xem phim của các tác giả trẻ, bởi mục tiêu của chúng tôi là hướng niềm đam mê làm phim tài liệu đến cho giới trẻ và hy vọng họ sẽ tham gia nhiệt tình. Các tác giả trẻ có thể nên làm việc chăm chỉ hơn, quay thật nhiều để tìm ra góc quay đẹp nhất, quan trọng là chính họ phải trải nghiệm cuộc sống đó để bộ phim trở lên sinh động và chân thật hơn.

- Theo chị thì với phim tài liệu, yếu tố cần nhất là gì, tiền bạc hay công nghệ?

Marina May: Tôi nghĩ rằng tiền bạc và công nghệ không đóng vai trò lớn trong phim tài liệu, bởi vì cái cần thiết là sự đam mê và sự học hỏi. Sau tuần lễ phim này tôi hy vọng các bạn trẻ sẽ thổi cho mình một ngọn lửa đam mê, một sự làm việc chăm chỉ và thời gian tới chúng ta sẽ được xem các tác phẩm của họ.

- Được biết Viện Goeth đang triển khai một dự án đào tạo các nhà làm phim tài liệu trẻ. Xin chị cho biết thêm về dự án này?

Marina May: Viện Goeth cũng đang triển khai một dự án về đào tạo đạo diễn phim tài liệu. Bất cứ ai có mối quan tâm và đam mê với phim tài liệu cũng có thể đăng kí tham gia. Ngoài đào tạo, chúng tôi sẽ cấp máy quay phim cho họ, cấp kinh phí cho họ làm phim nếu họ có ý tưởng tốt. Khóa học này được bố trí sao cho những người đi làm vẫn có thể tham gia được và chúng tôi có cả những lớp học cuối tuần. Chương trình sẽ được bắt đầu vào mùa thu này. Tháng 9, chúng tôi sẽ chiếu một số phim của các tác giả trẻ của Việt nam tại Viện Goeth. Những bộ phim mang những chủ đề rất gần gũi, rất thật. Đó cũng là điều mà các đạo diễn phim Việt Nam nên hướng tới, chú tâm vào các chi tiết, tình cảm những gì thực sự thuộc về họ. Chúng tôi hi vọng rất nhiều vào lớp tác giả trẻ này.

Ảnh minh họa


Anh Joseph Peaquin - đạo diễn bộ phim “Ngày xửa ngày xưa… những thú vui bình dị” cũng có cái nhìn khá chân thành về phim tài liệu Việt và các đạo diễn phim tài liệu Việt.

- Xin chào anh Joseph. Anh có thể nói một chút về bộ phim của anh cho những người không có mặt ở đây hiểu được ý tưởng cũng như những gì mà điện ảnh tài liệu của Italia chứ?

Joseph: Cuộc sống hiện đại đã len lỏi vào nhiều ngóc ngách trong đời sống của các dân tộc thiểu số Italy. Bộ phim của tôi là để hoài niệm lại cuộc sống bình dị cũng như nền văn hóa truyền thống của họ. Khi xem các phim tài liệu của Việt Nam về các dân tộc thiểu số, tôi nhận thấy sự tương đồng giữa Việt Nam và dân tộc thiểu số Italy nói riêng và miền núi của các nơi trên thế giới nói chung, công việc hàng ngày của họ, tính tình hòa nhã, tĩnh lặng nhưng lại rất mạnh mẽ và thiên nhiên ở những nơi này, người ta có thể nghe thấy âm thanh trong sự tĩnh lặng của nó.

- Anh nghĩ gì khi xem một số phim tài liệu của Việt Nam tại tuần lễ phim này?

Joseph: Phim tài liệu của Việt Nam được biên tập rất tốt và các bạn có một nền văn hóa rất đáng yêu. Tôi nghĩ nó sẽ hay hơn nếu như các bạn đi sâu vào khai thác nó thật kỹ và hết mình với nó. Chủ đề mà các nhà làm phim tài liệu Việt Nam chọn rất hay, rất đời sống nhưng các nhà làm phim có vẻ đi quá nhanh, hơi lên gân và giáo điều. Khi xem phim, tôi muốn được khám phá, được tìm hiểu sâu hơn về nền văn hóa đó nhưng họ lại đi quá nhanh. Hơn nữa lời bình phim cũng quá nhiều, khiến cho người xem phải tập trung để nghe nói hơn là khám phá cuộc sống trong phim. Tôi nghĩ là khi làm phim, các nhà làm phim Việt Nam nên nhìn vào thị trường thế giới, hướng đến các liên hoan phim quốc tế trong quá trình làm phim, chứ không phải chỉ để chiếu trong nước. Bớt giáo điều, chậm hơn để có thời gian đi vào chi tiết hơn, đến gần với con người hơn.

Người Việt Nam rất lạc quan và có một nền văn hóa rất đẹp, chân thật và cũng mạnh mẽ. Nhưng không chỉ riêng các dân tộc thiểu số, Hà Nội đang phải đối mặt với sự nguy hiểm của hội nhập, vì các bạn đang phát triển quá nhanh. Điều này có thể khiến những người trẻ tuổi quên đi mình là ai.

- Xin cảm ơn Marina và Joseph đã dành cho chúng tôi buổi trò chuyện này!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét