Chủ Nhật, 3 tháng 1, 2010

Phim tài liệu Đi giữa kẻ thù: Giàu nhạc điệu cuộc sống

Đạo diễn Phong Lan và nhân vật chính trong phim: Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang)
PN - Bộ phim tài liệu Đi giữa kẻ thù của đạo diễn Lê Phong Lan (đang phát sóng lúc 22g từ ngày 17 đến 23/12 trên kênh HTV9) với vỏn vẹn bảy tập phim nên chỉ kịp tóm lược những khoảnh khắc trong cuộc đời Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang).

Thông qua chiến tích của một người, bộ phim đưa người xem đến với những con người anh hùng trong cụm tình báo H63, là cụm đường dây trung chuyển tài liệu của nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn.

Là một học sinh giỏi của trường Pétrus Ký, khi Cách mạng Tháng tám nổ ra, Tư Cang về quê tham gia cướp chính quyền và theo cách mạng từ đó. Ông có nhiều biệt tài: bắn súng hai tay, chụp ảnh, lái xe, làm thơ nên đã được chọn vào ngành tình báo quân sự. Bộ phim kể về những kỳ tích đã làm nên tên tuổi Tư Cang nhưng không nặng về tường thuật sự việc, không bình luận quá nhiều về con người và thời cuộc mà trôi theo lời kể của những người lính trở về làm nông sau cuộc chiến, khiến những kỳ tích càng chân thực, lôi cuốn, xúc động. Cách thể hiện đan lồng những hình ảnh tư liệu và lời của ông Tư Cang tại hiện trường mở ra cho người xem phạm vi đa dạng của hoạt động tình báo "lấy dân làm gốc" đặc biệt của tình báo Việt Nam.

Người chỉ huy, người chiến sĩ cảm tử Tư Cang là một con người nhạy cảm, đầy mưu lược và cũng rất lạc quan khi đối mặt với chuyện sinh tử, sẵn sàng hy sinh vì chính nghĩa. Hình ảnh người anh hùng Tư Cang được xây dựng không tách khỏi những hy sinh của bao anh hùng khác trong một tập thể anh hùng đã tạo nên được những thước phim xúc động và truyền cảm.

Có thể thấy, đạo diễn Phong Lan đã giữ trọn vẹn được cái thần thái ngoài đời của anh hùng Tư Cang. Người xem nhận ra được một người lính hiền hậu, hiểu biết, lạc quan, hóm hỉnh đến bất ngờ. Những câu chuỵện ông kể khi đi qua mặt kẻ thù, qua mặt chết chóc sao nghe cứ nhẹ tênh. Tiếng cười của ông trong mỗi câu chuyện rất gần với bác Ba Phi Nam bộ, nghe thật thoải mái, thú vị.

Hết chiến tranh, ông về lại đời thường, thanh thản với cây bút và những trang viết. Ông đã viết năm cuốn hồi ký: Sài Gòn Mậu Thân 1968, Nước mắt ngày gặp mặt, Hoàng hôn trên chiến trường, Bến Dược vùng đất lửa và Trái tim người lính. Những dòng hồi ký nồng ấm đầy chất liệu sống thể hiện được cả tài hoa của một người lính, đã đưa ông trở thành hội viên Hội Nhà văn TP.HCM. Ở con người ông, sự lạc quan luôn tràn ngập nên những thước phim về ông – một người anh hùng trong lĩnh vực quân sự vẫn giàu nhạc điệu cuộc sống.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét