Chủ Nhật, 3 tháng 1, 2010

Khi điện ảnh vào học đường…

Lấy lớp học, sân trường, góc phố… làm trường quay; bàn học, viết chì, cây kéo… làm đạo cụ, những bộ phim ngộ nghĩnh của các cô, cậu học trò tiểu học đã khiến người lớn phải tròn mắt ngạc nhiên.




Đây là điều diễn ra tại Liên hoan phim Điện ảnh học đường, tổ chức từ ngày 26 đến 28/8 tại Nhà văn hóa Điện ảnh TP HCM.

Trẻ nhỏ làm phim cho trẻ nhỏ

Tại buổi giao lưu giữa các “đoàn làm phim” học trò tham gia liên hoan phim, mọi con mắt đổ dồn về phía màn hình nhỏ đang chiếu bộ phim hoạt hình tạo hình bằng đất nặn có tựa Chú vịt con của một nhóm học trò lớp 4 trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, TP HCM. Phim bắt đầu bằng âm thanh của một cơn mưa lớn. Giữa khu vườn đầy hoa, vịt con vừa đi vừa khóc vì không tìm thấy đường về nhà. Ai cũng bận rộn nên không một ai chịu giúp vịt. Vịt con hối hận vì ham chơi mà đi quá xa, để bị lạc đàn. Chuyện phim chỉ có vậy, gói gọn trong 3 phút 6 giây, quay bằng máy quay video kỹ thuật số nhỏ, nhưng khiến những người lớn theo dõi rất đỗi ngạc nhiên và thích thú khi lần đầu chứng kiến trẻ nhỏ làm phim cho chính trẻ nhỏ xem. Quan trọng hơn, bộ phim đầy trong trẻo, giản dị như tâm hồn của các em.

Học sinh trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, TP HCM, học cách làm phim.

Kiều Khanh – cô học trò nhỏ phụ trách quay phim kể: “Ban đầu trong phim không có mưa. Nhưng khi chúng em quay phim gần cửa sổ lớp học, ánh sáng rất chập chờn, nên chúng em cho trời mưa”. Cô bé nói, “tai nạn” đáng nhớ nhất là khi đang quay thì nhân vật chú thỏ bỗng… rớt tay ra.

Có mặt tại buổi giao lưu, nhà làm phim trẻ người Thụy Điển Victor Danell không giấu nổi ganh tị với “đoàn làm phim” nhí: “Hồi bằng tuổi các em, anh chưa làm được một bộ phim như em bây giờ, đó là giấc mơ của anh”.

Hầu hết phim góp mặt tại liên hoan có độ dài chỉ từ 1 phút đến 15 phút (mức tối đa do ban tổ chức quy định), nên ngoài sự giản dị về nội dung, thông điệp gửi đến người xem, các “nhà làm phim” nhí – dưới sự hướng dẫn của thầy cô – còn phải… vắt óc để kể một câu chuyện bằng hình ảnh một cách “kiệm lời” nhất. Chưa kể, phải tập diễn xuất sao cho khán giả hiểu được câu chuyện.

Phim truyện ngắn Chia sẻ của trường tiểu học Kim Đồng (Hà Nội) là một ví dụ. Sau khi “năn nỉ” cô bán kem ở góc phố gần trường cho mượn bối cảnh để làm phim, cô giáo trẻ Hoàng Yến và học sinh phải chạy đua với thời gian để quay và diễn xuất một câu chuyện không lời do một học sinh trong trường viết. Chuyện kể về hai cô bé nghèo vì không có tiền mua kem nên đành buồn bã đứng nhìn cửa hàng kem. Một cậu bé vào mua cây kem ốc quế, nhìn thấy hai chị em và cậu quyết định đổi cây kem ốc quế của mình thành 3 que kem để mời hai bạn cùng ăn.

Đây là liên hoan phim duy nhất tại Việt Nam có số lượng phim tranh giải cùng hạng mục cao nhất. Ảnh: LHP điện ảnh học đường.

Gieo mầm cho một thế hệ mới

Có thể nói, Liên hoan phim Điện ảnh học đường đặc biệt theo nhiều cách: nhân vật chính không phải các ngôi sao điện ảnh hay những nhà làm phim chuyên nghiệp, mà là những học trò nhỏ từ 6 đến 10 tuổi. Tiêu chí chấm giải không nặng về những chuẩn mực nghề nghiệp mà ưu tiên những ý tưởng sáng tạo, thể hiện cảm xúc, cái nhìn, sở thích và những điều mà các em quan tâm. Đây có thể là liên hoan phim duy nhất tại Việt Nam có số lượng phim tranh giải cùng hạng mục cao nhất! Tổng cộng có tới 36 phim tham gia tranh giải ở 3 hạng mục: phim hoạt hình (13 phim), phim tài liệu (10 phim), phim truyện ngắn (13 phim). Lượng phim này được chọn lọc và gửi dự tranh bởi 8 trường tiểu học tham gia Dự án Điện ảnh học đường do Viện phim Việt Nam, Vụ Giáo dục tiểu học của Bộ Giáo dục – Đào tạo và Viện phim Thụy Điển phối hợp tổ chức dưới sự tài trợ của cơ quan hợp tác quốc tế Thụy Điển (SIDA). Dự án này bắt đầu tại Việt Nam vào năm 2006 từ sáng kiến của tiến sĩ Hoàng Như Yến – nguyên Viện trưởng Viện phim Việt Nam.

Theo sát các đoàn làm phim “nhí” trong vai trò người hướng dẫn và huấn luyện kỹ thuật, đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn cho rằng, việc đưa điện ảnh và các bộ môn nghệ thuật khác vào học đường là bước đi rất quan trọng để chuẩn bị một thế hệ nghệ sĩ điện ảnh đẳng cấp sau này. Ông nói: “Tôi giảng dạy tại nhiều trường điện ảnh và nhận thấy nhiều sinh viên thi đậu mà chẳng hiểu gì về điện ảnh. Việc được tham gia làm phim ngay từ tiểu học sẽ giúp các em hiểu được thế nào xây dựng ý tưởng kịch bản, tổ chức dàn dựng, đạo diễn và dựng phim…”. Là một người trong cuộc, cô Yến Linh ở trường tiểu học Lê Văn Tám (Hà Nội) chia sẻ: “Việc làm phim đã đem lại cho cô trò chúng tôi một trải nghiệm rất thú vị. Tôi nghĩ những bộ phim do chính các em làm có thể trở thành tài liệu dạy học rất sinh động”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét